Giữ mức sàn thuế bảo vệ môi trường xăng dầu – Cần thiết để doanh nghiệp phục hồi
Trước đề xuất tiếp tục áp dụng thuế bảo vệ môi trường ở mức sàn 1.000 đồng/lít xăng trong năm 2023, nhiều ý kiến cho rằng, đây là biện pháp cần thiết nhằm ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ doanh nghiệp.
Theo đó, Bộ Tài chính vừa công bố lấy ý kiến đối với Dự thảo lần 2 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2023. Đáng nói, thay vì kiến nghị áp dụng thuế suất linh hoạt 4 mức thuế tùy theo diễn biến giá dầu thô thế giới, Bộ Tài chính lại đề xuất tiếp tục áp dụng mức thuế sàn trong khung thuế cho cả năm 2023.
Đề xuất tục áp dụng thuế bảo vệ môi trường ở mức sàn 1.000 đồng/lít xăng trong cả năm 2023 được cho là cần thiết – Ảnh minh họa: CP
Cụ thể, thuế với xăng và nhiên liệu bay áp mức sàn 1.000 đồng/lít, thuế với dầu diesel 500 đồng/lít, dầu mazut, dầu nhờn, dầu hỏa 300 đồng/lít, mỡ nhờn 300 đồng/kg. Mức thuế này tương tự như năm 2022. Từ năm 2024, thuế với các mặt hàng này sẽ quay về mức kịch trần, tức là 4.000 đồng/lít xăng, nhiên liệu bay là 3.000 đồng; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 2.000 đồng, dầu hỏa là 1.000 đồng/lít, mỡ nhờn là 2.000 đồng/kg.
Việc áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn theo đề xuất được cho sẽ góp phần kìm hãm sự tăng giá bán lẻ xăng dầu trong nước, từ đó góp phần giảm chỉ số CPI, kiềm chế lạm phát và hạn chế tác động tiêu cực đến nền kinh tế khi giá xăng dầu vẫn còn ở mức cao.
Bộ Tài chính dự báo, sang năm 2023, giá các mặt hàng xăng dầu thành phẩm ở mức 95-105 USD/thùng, giảm 12-20% so với ước giá bình quân năm 2022 nhưng vẫn còn ở mức cao. Trong khi đó, nhu cầu tiêu dùng và sử dụng xăng dầu tăng cao, ước tính sản lượng xăng dầu tiêu thụ năm 2023 vào khoảng 14,5 triệu m3 (hoặc tấn), tăng khoảng 10% so với năm nay. Trong đó, tiêu thụ xăng chiếm khoảng 42%, dầu diesel gần 56%, dầu mazut chiếm 1,6%, dầu hỏa 0,2%.
Thực tế, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, là đầu vào của các ngành sản xuất trong nền kinh tế và trực tiếp ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Khi xăng dầu tăng giá sẽ không chỉ trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống người dân mà còn làm tăng chi phí sản xuất, đẩy giá hàng hóa lên cao, từ đó ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng. Chưa kể, giá các mặt hàng quá cao khiến người dân thắt chặt chi tiêu, doanh nghiệp không bán được hàng cũng không có động lực để phát triển sản xuất, dẫn đến những tác động tiêu cực cho hoạt động sản xuất kinh doanh, làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và làm giảm tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế…
Do vậy, đề xuất tại Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn được Bộ Tài chính lần này nhận được sự đánh giá cao trong việc khoan sức dân, tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp hồi phục.
Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, là đầu vào của các ngành sản xuất trong nền kinh tế – Ảnh minh họa: Internet
Mới đây, trả lời Công văn số 12763/BTC-CST ngày 03/12/2022 của Bộ Tài chính về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thống nhất với nội dung được đề xuất.
VCCI cho rằng, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn tiếp tục duy trì ở mức sàn trong Biểu khung thuế của Luật Thuế bảo vệ môi trường cho đến 31/12/2023 là biện pháp cần thiết nhằm ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ doanh nghiệp.
Không chỉ VCCI, xoay quanh việc áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, việc tiếp tục gia hạn các chính sách giảm thuế cho xăng dầu trong năm 2023 để kìm giá xăng dầu cũng như giá cả hàng hóa, dịch vụ khác là cần thiết.
Bởi, năm tới kinh tế sẽ khó khăn hơn khi một số thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam rơi vào suy thoái, giá xăng dầu và nguyên liệu dự báo tiếp tục có những biến động lớn, tỷ lệ doanh nghiệp tạm thời đóng cửa, tạm ngưng kinh doanh cao hơn năm trước tới hơn 24% so với cùng kỳ năm ngoái cho thấy một bộ phận doanh nghiệp vẫn rất khó khăn trong bối cảnh chi phí kinh doanh tăng.
Trước đó, không ít ý kiến lo lắng, khi các chính sách gia hạn, miễn giảm thuế, phí hỗ trợ doanh nghiệp và hộ kinh doanh sắp hết hạn áp dụng (ngày 31/12), đặc biệt là mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu.
Thông tin với báo chí, ông Đỗ Văn Bằng – Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát cho biết, 3 năm gần đây doanh nghiệp vận tải quá khó khăn, đầu tiên là dịch bệnh, kinh doanh đình trệ, xe cộ đắp chiếu, tiếp đến là giá xăng dầu tăng cao bất thường, đa số nhà xe gánh lỗ. Nay hoạt động vận tải bắt đầu hồi phục thì lo giá nhiên liệu tăng, nguồn cung đứt gãy,…
“Ngành vận tải đang quá khổ, lúc nào cũng trong tâm trạng lo âu. Điều doanh nghiệp cần nhất lúc này là sự ổn định để có thể hoạch định chiến lược kinh doanh lâu dài. Tôi cho rằng nên tiếp tục duy trì chính sách giảm thuế môi trường với xăng dầu như hiện nay đến hết năm 2023 để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp”, ông Bằng chia sẻ.
Đồng quan điểm đã nêu, ông Tô Quang Học – Giám đốc Công ty TNHH Phiệt Học cũng cho rằng, việc thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu quay lại mức kịch trần theo khung thuế sẽ gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Bởi, xăng dầu vừa là mặt hàng chiến lược, quan trọng, là nhiên liệu đầu vào quan trọng của ngành vận tải.
“Doanh nghiệp vận tải vừa lao đao vì dịch bệnh COVID-19 kéo dài, nếu thêm giá xăng, dầu tăng cao thì kinh doanh sẽ rất trì trệ”, ông Học bày tỏ.
Nguồn: Diễn đàn Doanh nghiệp