Quỹ Bình ổn giá xăng dầu: Giữ hay bỏ?
Quỹ Bình ổn giá xăng dầu là quỹ đặc thù. Đây là quỹ tài chính không nằm trong cân đối ngân sách nhà nước, toàn bộ nguồn trích lập, chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để tham gia điều tiết, hỗ trợ cho mục tiêu bình ổn giá xăng dầu trong nước theo điều hành giá xăng dầu của cơ quan điều hành.
Cho rằng, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đã phát huy vai trò nhất định trong giai đoạn vừa qua, tuy nhiên, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị rà soát đánh giá để xem xét sự cần thiết của Quỹ Bình ổn giá xăng dầu và nếu tiếp tục duy trì, cần có cơ chế, điều kiện để quỹ này vận hành tốt hơn.
Người dân xếp hàng mua xăng trên đường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội. Ảnh: Thái Sơn
Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) phân tích, quỹ này không nằm trong cân đối ngân sách, nguồn hình thành quỹ từ giá mua do người tiêu dùng chi trả, nhưng lại do doanh nghiệp quản lý. Người tiêu dùng không tiếp cận được thông tin về sử dụng quỹ nên rất bất cập, liệu có sự không minh bạch. Còn đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (đoàn Khánh Hòa) nêu vấn đề, nên chăng đã đến lúc phải thay đổi cơ chế Quỹ Bình ổn giá xăng dầu bằng các công cụ điều tiết giá khác hiệu quả hơn như thuế, phí để giá cả hàng hóa vận hành theo quy luật của thị trường. Nhìn ở khía cạnh khác, đại biểu Vũ Tuấn Anh (đoàn Phú Thọ) cho rằng, hiện Việt Nam có nhiều giải pháp để bình ổn giá như tài chính, tiền tệ, cung-cầu, quản lý thị trường và quỹ bình ổn giá là một trong những giải pháp. Theo đại biểu, trong điều kiện hiện nay và một số năm tới thì việc bình ổn giá xăng dầu thông qua điều hòa, kiểm soát cung-cầu còn khó khăn nên trước mắt cần giữ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Đồng thời, cần có quy định cụ thể về việc công khai, minh bạch trong trích và sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.
Hiểu một cách đơn giản, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu tại Việt Nam là hình thức người dân nộp tiền trước để được bình ổn giá cho mình. Tức là người dùng ứng trước tiền, hay còn gọi là trích cho quỹ, rồi tại kỳ điều hành giá lần sau, nếu giá xăng dầu tăng mạnh, nhà quản lý lại lấy tiền đó trả lại cho người mua xăng dầu, hay gọi là chi sử dụng quỹ. Như vậy có thể hiểu, giá xăng tăng hay giảm không phụ thuộc hoàn toàn vào diễn biến thị trường, mà phụ thuộc một phần vào ý chí của nhà điều hành. Đây cũng là cách để góp phần giúp cơ quan điều hành bình ổn giá cả hàng hóa, duy trì và ổn định kinh tế vĩ mô.
Thực tế cho thấy, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu vẫn là công cụ hiệu quả, giúp giá bán lẻ xăng dầu trong nước không tăng sốc, từ đó hạn chế tác động tới giá hàng hóa, dịch vụ khác do xăng dầu là đầu vào của nhiều ngành sản xuất. Với tình hình giá xăng dầu có nhiều biến động như hiện nay, việc duy trì Quỹ Bình ổn giá xăng dầu là cần thiết, song song với việc chuẩn bị các điều kiện để tiến tới loại bỏ quỹ này. Nhìn rộng ra các quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu, giá xăng dầu lên xuống hằng ngày theo biến động thị trường. Tuy nhiên, các quốc gia này luôn có kho dự trữ xăng dầu rất lớn, khi muốn tác động giá sẽ xả các kho này rất nhanh. Tại Việt Nam, muốn bình ổn giá và khắc phục tình trạng khan hiếm xăng dầu trong những thời điểm giá xăng dầu thế giới biến động, ngoài việc có cơ cấu giá xăng dầu phù hợp, rút ngắn thời gian điều chỉnh giá hơn nữa thay vì chu kỳ điều hành giá 10 ngày như hiện nay; cần tăng trữ lượng dự trữ xăng dầu quốc gia thông qua việc xây dựng kho dự trữ xăng dầu quốc gia riêng.
VŨ DUNG
Nguồn: Báo Quân đội Nhân dân